banner-contact

Phòng tránh tiểu đường ở thai kỳ, mẹ bầu cần lưu ý những điều gì?

0

lượt xem

Tiểu đường thai kỳ là căn bệnh phổ biến, khá nhiều mẹ bầu mắc phải, nhất là ở tam cá nguyệt thứ 2 của thai kỳ. Tuy nhiên, nếu mẹ nắm vững những nguyên tắc sau thì hoàn toàn có thể phòng tránh, đảm bảo thai kỳ khỏe mạnh cho cả mẹ và bé.

Dấu hiệu nhận biết tiểu đường thai kỳ

– Đi tiểu nhiều và thường xuyên.

–  Khó kiểm soát việc ăn uống.

– Thị lực giảm, mắt bị mờ đi trong 1 thời gian ngắn.

– Thường xuyên cảm thấy bị khô miệng, khát nước.

– Vùng kín bị viêm nhiễm, nhiễm trùng.

– Các vết thương, các vết trầy xước… thường rất khó và lâu lành.

Nguyên nhân mắc tiểu đường thai kỳ

Tiểu đường thai kỳ căn bệnh phổ biến ở mẹ bầu

 

– Do thay đổi hormone: Khi mang thai, các hormone trong cơ thể mẹ bầu có sự thay đổi nhất định. Đặc biệt, insulin được sản xuất ra để điều hòa glucose cũng bị suy giảm do các hormone nhau thai làm rối loạn việc sản xuất này. Từ đó khiến lượng glucose trong máu tăng cao, gây nên nên hiện tượng tiểu đường thai kỳ.

– Nguyên nhân khác: Nếu mẹ bầu bị béo phì, gia đình có tiền sử bị tiểu đường, từng bị tiểu đường thai kỳ, mang thai khi đã lớn tuổi, có tiền sử cao huyết áp…

Biến chứng của tiểu đường thai kỳ

Nếu không theo dõi và kiểm soát tốt bệnh tiểu đường thai kỳ, thai nhi có nguy cơ phải đối mặt với một số biến chứng sau:

– Tăng trưởng quá mức và thai to: Lượng đường trong máu cao hơn bình thường ở người mẹ là nguyên nhân khiến thai nhi phát triển quá nhanh, dẫn tới cân nặng lúc sinh khá to (thường là trên 4kg). Thai quá lớn sẽ dễ gặp phải chấn thương trong lúc sinh hoặc không thể sinh thường.

– Sinh non: Lượng đường trong máu cao làm tăng nguy cơ chuyển dạ sớm và sinh con trước ngày dự sinh của thai phụ. Hoặc thai phụ được khuyến nghị sinh sớm vì em bé đã quá lớn.

– Khó thở nghiêm trọng: Trẻ sinh non từ những bà mẹ mắc bệnh có nguy cơ gặp phải hội chứng suy hô hấp – một tình trạng gây khó thở.

– Lượng đường trong máu thấp (hạ đường huyết): Đôi khi, em bé sinh ra từ mẹ bị tiểu đường khi mang thai sẽ đối diện với tình trạng lượng đường trong máu thấp ngay sau khi chào đời. Không chỉ vậy, những đợt hạ đường huyết nghiêm trọng còn có thể gây co giật cho bé. Cần cho bé ăn ngay hoặc truyền dung dịch qua đường tĩnh mạch nhằm đưa lượng đường trong máu của bé trở lại bình thường.

– Dị tật bẩm sinh.

– Tử vong ngay sau sinh.

– Tăng hồng cầu, vàng da sơ sinh.

– Nguy cơ béo phì và bệnh tiểu đường tuýp 2 khi trưởng thành.

– Thai chết lưu: Đái tháo đường thai kỳ nếu không được kiểm soát tốt có thể khiến thai nhi tử vong trước hoặc ngay sau khi sinh.

Trong khi đó, đối với thai phụ bị tiểu đường trong thai kỳ, các biến chứng sức khỏe có thể xảy ra là:

– Tăng huyết áp khi mang thai và tiền sản giật: Đây là hai biến chứng nghiêm trọng của thai kỳ, có thể đe dọa tính mạng cả mẹ và con.

– Sinh mổ: Vì em bé quá to không thể sinh thường, nên nhiều khả năng bạn sẽ phải sinh mổ nếu bị tiểu đường thai kỳ.

– Tăng nguy cơ sinh non.

– Tăng nguy cơ sảy thai tự nhiên

– Tăng nguy cơ nhiễm khuẩn đường tiết niệu.

Cách phòng ngừa tiểu đường thai kỳ ở mẹ bầu

Duy trì cân nặng lý tưởng trước khi mang thai

Khi quyết định có em bé, bạn hãy cố gắng duy trì cân nặng ở mức lý tưởng. Thừa cân không phải là nguyên nhân gây ra tiểu đường thai kỳ, nhưng đây là yếu tố nguy cơ hàng đầu của căn bệnh này. Cụ thể, người có chỉ số BMI (chỉ số khối cơ thể) lớn hơn 30 thì có nguy cơ bị đái tháo đường thai kỳ cao gấp 3 lần so với người có BMI nhỏ hơn 25.

Ngoài ra, việc giảm cân nên được thực hiện trước khi quyết định mang thai, đặc biệt là khi bạn bị thừa cân, béo phì. Giảm cân trong khi đang có thai là không được khuyến khích, bởi vì điều này không an toàn cho sức khỏe của mẹ và quá trình mang thai.

Chế độ dinh dưỡng lành mạnh

Một chế độ ăn uống lành mạnh không chỉ làm giảm nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ mà còn cải thiện sức khỏe của thai phụ trong những ngày bầu bí mệt mỏi. Hãy cố gắng cân bằng lượng đường bột và các nhóm chất còn lại để chỉ số đường huyết không tăng quá cao sau khi ăn.

Không có thực đơn chung cho tất cả phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, có những nguyên tắc chung mà bạn có thể thực hiện, chẳng hạn như chia nhỏ bữa ăn, bổ sung các loại thực phẩm giàu chất xơ, sử dụng chất béo tốt cho sức khỏe, đảm bảo cân bằng hàm lượng dinh dưỡng trong khẩu phần ăn hàng ngày.

Cách đơn giản nhất để có thể kiểm soát lượng thức ăn mỗi ngày, đó là nhờ sự tư vấn từ các chuyên gia dinh dưỡng. Từ đó, bạn lập ra kế hoạch ăn uống cho bản thân và tuân thủ nghiêm túc theo kế hoạch đã đề ra. Như vậy, bạn sẽ không phải lo chỉ số tiểu đường thai kỳ tăng quá cao và hạn chế nguy cơ xảy ra đái tháo đường khi mang thai.

Tăng cường vận động hợp lý

Vận động là yếu tố quan trọng giúp phòng ngừa tiểu đường thai kỳ. Hãy trao đổi với bác sĩ sản khoa để thiết lập một chế độ vận động phù hợp nhất đối với sức khỏe của từng người. Nếu có thể, bạn nên dành 30 phút mỗi ngày cho các bài tập thể dục phù hợp như đi bộ hoặc bơi lội.

Nếu không thể tập thể dục hàng ngày liên tục 30 phút thì bạn có thể chia nhỏ thời gian tập mỗi lần khoảng 10 phút. Bên cạnh đó, các loại hình vận động khác như làm việc nhà, đi thang bộ cũng được xem là hiệu quả tương đương tập thể dục.

Hơn nữa, vận động sau bữa ăn giúp chỉ số tiểu đường thai kỳ không tăng quá cao, cải thiện sự đề kháng insulin, tăng cường sự dẻo dai, sức chịu đựng của cơ thể và hoạt động của hệ tim mạch. Ngoài ra, trong lúc tập thể dục, cơ thể sẽ tiết ra các nội tiết tố giúp bạn cảm thấy thoải mái, lạc quan và phòng tránh stress hiệu quả.

Bên cạnh đó, đừng quên đến khám thai định kỳ trong suốt quá trình mang thai. Bởi vì đây là cách tốt nhất để mẹ bầu kiểm soát đái tháo đường thai kỳ và các biến chứng nguy hiểm do bệnh gây ra.

img-form-left

    Họ và tên
    Số điện thoại
    Nội dung tư vấn