banner-contact

Thiếu sắt trong thai kỳ – nguy cơ tiềm ẩn không lường

0

lượt xem

Trong thời gian thai kỳ vai trò của sắt rất quan trọng. Cơ thể người mẹ cần cung cấp gấp 2 lần lượng sắt bình thường để tạo máu nhiều hơn, cung cấp nhu cầu oxy cho cả mẹ và thai nhi. Sắt là nguồn nguyên liệu để tổng hợp nên hemoglobin, làm cho hồng cầu có màu đỏ, giúp vận chuyển oxy trong máu đến với các mô trong cơ thể người mẹ và thai nhi.

Thiếu sắt trong thai kỳ gây ra hệ lụy gì?

Sắt giúp vận chuyển và cung cấp oxy cho cả mẹ và bé trong suốt thai kỳ

Theo thống kê cho thấy, cơ thể phụ nữ khi mang thai, thể tích tuần hoàn tăng gấp 50% so với bình thường. Do đó, cần một lượng lớn sắt để đáp ứng 3 nhu cầu:

  • Tăng thể tích máu
  • Cung cấp máu nuôi thai nhi
  • Bù lại lượng máu đã mất sau sinh nở

Sắt là nguyên liệu cơ bản của hemoglobin. Đây là thành phần giúp cho máu có màu đỏ, có tác dụng cung cấp oxy cho các tế bào trong cơ thể mẹ và thai nhi, đưa cacbon dioxit (CO2) cũng như các sản phẩm khác của quá trình chuyển hóa từ tế bào đến phổi để thải ra ngoài. 

Sắt còn là thành phần cấu tạo của myoglobin-một loại protein có vai trò cung cấp oxy cho tổ chức cơ. Ngoài ra sắt còn giúp tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân có hại từ môi trường như khói bụi, ô nhiễm, vi khuẩn, virus xâm nhập.

Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thiếu máu là bệnh lý rất thường gặp, ảnh hưởng đến hơn 1,5 tỷ người trên thế giới. Trong đó, thiếu máu thiếu sắt chiếm hơn 50% các trường hợp, đặc biệt là phụ nữ trong giai đoạn thai kỳ và sau sinh rất dễ gặp các biến chứng cho cả mẹ và con khi mắc bệnh lý này.

Thiếu máu do thiếu sắt trong thai kỳ có thể làm mẹ bầu thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt, chuột rút, kém tập trung và có nguy cơ ảnh hưởng đến thai nhi như:

Đối với thai nhi

  • Em bé sinh ra cân nặng không đạt chuẩn. Có thể bị suy dinh dưỡng
  • Sinh non 
  • Các vấn đề liên quan đến bánh nhau

Đối với mẹ

  • Thường xuyên mệt mỏi, hoa mắt
  • Không đủ máu trong quá trình sinh đẻ, nếu mất máu nhiều phải truyền máu, kéo dài thời gian nằm viện, giảm sản xuất sữa, nếu thiếu máu kéo dài có thể dẫn tới suy tim. 
  • Nguy cơ sảy thai cao
  • Nhiễm trùng hậu sản 
  • Nghiêm trọng hơn có thể bị băng huyết sau sinh

Dấu hiệu nhận biết thiếu sắt ở mẹ bầu

  • Thường xuyên mệt mỏi, kém tập trung.
  • Hoa mắt, chóng mặt nhất là khi thay đổi tư thế đột ngột, có thể dẫn đến ngất.
  •  Da xanh, nhợt nhạt.
  •  Niêm mạc mắt, miệng, lòng bàn tay kém hồng hào.
  •  Khả năng chịu lạnh kém.
  •  Dễ bị nhiễm bệnh.
  •  Khó thở khi gắng sức, leo cầu thang hay hoạt động mạnh kéo dài.

Mẹ bầu có thể bổ sung sắt bằng cách nào?

Khi mang thai, lượng sắt cần cho cơ thể sẽ tăng gấp đôi, khoảng 30mg/ngày. Nếu không cung cấp đủ, mẹ bầu sẽ mắc chứng thiếu máu, ảnh hưởng tới sức khỏe của cả thai nhi. 

Mẹ bầu có thể bổ sung sắt bằng cách:

  • Tiêu thụ những thực phẩm giàu sắt

Các loại thịt bò, thịt lợn, gan động vật, lòng đỏ trứng và các loại thủy hải sản. Sắt trong các thức ăn có nguồn gốc từ động vật có giá trị sinh học cao và khả năng hấp thụ tốt hơn so với sắt có nguồn gốc thực vật. Trong các thức ăn nguồn gốc thực vật thì sắt thì sắt có nhiều trong đậu đỗ, vừng lạc, các loại rau màu xanh thẫm; rau muống, rau ngót, mồng tơi, rau đay…

  • Bổ sung viên sắt

Thuốc bổ sung sắt cho bà bầu thường có 2 dạng: sắt vô cơ (Sắt sulfat) và sắt hữu cơ (Sắt fumarate và sắt gluconate). Trong đó sắt hữu cơ là dạng dễ hấp thu hơn và ít gây táo bón hơn so với sắt vô cơ.Trên thị trường hiện nay thuốc sắt được bào chế dưới 2 dạng: sắt nước và viên sắt. Sắt nước có ưu điểm là dễ hấp thu, ít gây táo bón, ít gây nóng nhưng lại khó uống và dễ gây buồn nôn. Viên sắt có ưu điểm là dễ uống, không gây buồn nôn nhưng hấp thu kém hơn sắt nước và gây nóng trong nhiều hơn.

Khi bổ sung sắt cần lưu ý những gì?

Nên sử dụng sắt kèm vitamin C để đạt hiệu quả tốt nhất

  • Để đạt hiệu quả tổng hợp sắt tốt nhất nên sử dụng kèm vitamin C.
  •  Uống sắt lúc đói, ngày 3 lần, tốt nhất là cách 30 phút trước bữa ăn sáng, trưa và tối.
  • Tuyệt đối không dùng sắt cùng lúc với canxi. Sắt và canxi thường kỵ nhau, vì thế mẹ bầu tuyệt đối không uống cùng lúc. Khuyến cáo được các chuyên gia y tế đưa ra: 3 tháng giữa của thai kỳ là thời điểm lý tưởng để bổ sung sắt cho bà bầu, 3 tháng cuối sẽ thích hợp để uống bổ sung canxi.
  • Tùy thuộc vào phản ứng của cơ thể khi uống sắt mà mẹ bầu có thể thay đổi thời điểm uống bổ sắt sao cho phù hợp: ví dụ có biểu hiện bị ợ nóng, mẹ nên tránh uống sắt trước khi đi ngủ, ngược lại việc uống sắt khiến mẹ buồn ngủ thì trước giờ đi ngủ sẽ là thời điểm lý tưởng để nạp thêm lượng sắt cần thiết cho cơ thể.

Trước khi sử dụng thuốc bổ sung sắt nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa. Khi sử dụng thuốc phải tuân thủ theo chỉ định của thầy thuốc tránh bổ sung sắt quá liều lượng có thể gây ra nguy cơ xơ gan, bệnh cơ tim, đái tháo đường.

Để đặt lịch khám, bệnh nhân có thể trực tiếp đến Trung tâm Hiếm muộn và Y học giới tính Hà Nội hoặc liên hệ tổng đài 1900 2345 29 để được tư vấn miễn phí.

Trung tâm Hiếm muộn và Y học Giới tính Hà Nội 

Địa chỉ: Số 29 Hàn Thuyên, Hai Bà Trưng, Hà Nội

Hotline: 1900 2345 29

Kênh thông tin: 

Website: Trung tâm Hiếm muộn và Y học giới tính Hà Nội

Facebook: Trung tâm Hỗ trợ sinh sản IVF – Bệnh viện Đa khoa Hà Nội

Youtube: Trung tâm IVF Hà Nội

Hội nhóm Facebook: Hội cha mẹ mong con – IVF Hà Nội

 

img-form-left

    Họ và tên
    Số điện thoại
    Nội dung tư vấn